Phiếu góp ý/
Opinion sheet
Rất mong nhận được các ý kiến đóng góp của quí bạn đọc
Website liên kết

[ Đăng ngày: 12/06/2012 ]
Theo Thông báo trước đây của Thư Viện trường Đại Học Ngân Hàng TP.HCM tổ chức cuộc thi viết chủ đề “Cảm nhận về Sách”, nay TV đưa lên website một số bài dự thi tiêu biểu. Việc bài viết được đăng trên website chỉ mang tính chất giới thiệu và tham khảo cho mọi người cùng đọc, chia sẻ cảm nhận. Đây chưa phải là bài đoạt giải trong cuộc thi viết với chủ đề “Cảm nhận về Sách”.

BÀI VIẾT THAM DỰ CUỘC THI CẢM NHẬN VỀ SÁCH:
BÀI GIẢNG CUỐI CÙNG
RANDY PAUSCH

Tác giả: Nguyễn Thụy Thùy Vân
Trường Đại học Ngân hàng Tp. HCM
Lớp: ĐH25AV01
Ngành: Tiếng Anh Tài chính – Ngân hàng

Tại Mỹ, đã có nhiều giáo sư đứng trên bục giảng, gửi tới các sinh viên của mình “Bài giảng cuối cùng”, làm hàng ngàn con tim rung lên vì xúc động. Tất nhiên, đó không thật sự là bài giảng cuối cùng mà là bài thuyết trình của các giáo sư khi đặt mình vào câu hỏi: Nếu đây là cơ hội cuối cùng được sẻ chia, ta phải nói điều gì là có ý nghĩa nhất? Nếu ngày mai buộc phải ra đi, ta sẽ để lại cho đời thông điệp gì? Liệu nó có thể giúp ích gì chăng cho các thế hệ mai sau? Những bài giảng này thường gây ấn tượng mạnh mẽ cho khán giả vì người thực hiện xem đây là cơ hội cuối cùng để suy ngẫm về những điều sâu sắc nhất trong cuộc đời. Thật may mắn là những bậc thầy, cha đẻ của những “Bài giảng cuối cùng” không thật sự phải rời khỏi thế giới này sau khi dành tặng cho sinh viên và khán giả những lời tâm huyết. Họ vẫn tiếp tục làm việc, giảng dạy và cống hiến. Có thể năm, mười năm sau, họ sẽ cho ra đời một “Bài giảng cuối cùng” khác hay hơn bài thuyết trình trước đó.

Randy Pausch thì không được may mắn như vậy, khi được mời trình bày một “bài giảng cuối cùng”, ông không cần phải hình dung rằng chẳng bao lâu nữa mình sẽ ra đi. Bởi vì điều đó là sự thật. Một sự thật tàn nhẫn. Căn bệnh ung thư quái ác chỉ cho ông vài tháng nữa để sống trong khi ông còn có quá nhiều lý do để lưu luyến cuộc đời này…

Giáo sư Randy Pausch vốn là giáo sư bộ môn Khoa học máy tính, Tương tác Người - Máy và bộ môn Thiết kế tại đại học Carnegie Mellon. Là một nhà giáo và nhà nghiên cứu nhận được nhiều giải thưởng cũng như có nhiều cống hiến trong lĩnh vực của mình, ông đã cộng tác với Adobe, Google, Electronic Arts, Walt Disney Imagineering và khởi xướng đề án Alice nổi tiếng… Sau những thành công rực rỡ trên con đường sự nghiệp, ông càng hạnh phúc hơn khi trở về mái ấm gia đình, nơi có một người vợ tâm đầu ý hợp và ba đứa con bé bỏng vừa kháu khỉnh vừa xinh đẹp. Những tưởng cuộc đời sẽ cứ thế tiếp tục trôi, như một dòng sông êm đềm, như món quà mà Thượng Đế đã ban tặng cho những nỗ lực và cống hiến của ông. Nhưng, không! Thần Chết đã phái “tay sai đắc lực” của mình đến tìm ông. Randy Pausch được chẩn đoán có mười khối u trong gan và đang mắc ung thư tuyến tụy giai đoạn cuối. Quyết liệt chống trả, chấp nhận đau đớn với những đợt hóa trị có liều cực mạnh, với khát khao được kéo dài thêm thời gian có mặt trên cuộc đời này, bên cạnh những người thân yêu. Nhưng tất cả đều vô hiệu...

Cũng có những phút giây hoảng loạn và đau khổ, cũng có biết bao tiếc nuối xen lẫn với lo sợ khi nghĩ đến tương lai của chính mình và những người thân yêu. Thế nhưng đó không phải là điều mà ông muốn gửi gắm đến khán giả, ngược lại ông chia sẻ về sự đương đầu với nghịch cảnh, bởi vì “Chúng ta không đổi được những quân bài đã chia, chỉ có thể đổi cách chơi những quân bài đó”. Thật vậy, ông đã không còn sầu não, bi lụy mà thay vào đó là mạnh mẽ đánh đổi khá nhiều thứ quan trọng để tham gia thuyết trình bài giảng cuối cùng tại Đại học Carnegie Mellon. Đây là lời chào tâm huyết mà ông gửi đến những người ở lại, sinh viên, bạn bè, đồng nghiệp, và cũng là “di sản” mà người cha mong muốn để lại cho ba đứa con thơ. Bài giảng không nói nhiều về cái chết mà xoay quanh những ước mơ tuổi thơ, về việc vượt qua trở ngại, biến ước mơ của chính mình và người khác thành sự thật, về việc tận dụng từng giây phút trong cuộc đời, bởi vì “thời gian là tất cả những gì bạn có…và một ngày nào đó bạn sẽ nhận ra rằng bạn có ít hơn bạn nghĩ”. Cuốn  tự  truyện “Bài giảng cuối cùng” được ra đời từ cảm hứng của buổi thuyết trình, thể hiện hình ảnh Randy Pausch đầy trách nhiệm trong tất cả các vai trò, một người thầy, một người bạn, một người chồng và  một người cha.

Là thầy giáo của biết bao sinh viên tài giỏi, một nhân vật uy tín trong ngành, nhưng quan trọng hơn hết là trước khi rời khỏi thế gian ông đã để lại cho đời quyển sách “Bài giảng cuối cùng” (The Last Lecture), để lại cho thế hệ tương lai niềm khích lệ mạnh mẽ cũng như những bí quyết hữu ích để gặt hái thành công trong cuộc sống. Mỗi trang sách là một nỗ lực của Randy trong những ngày tháng cuối đời, phải chiến đấu với căn bệnh hiểm nghèo. Lật từng trang một, người đọc sẽ không thấy cái tang thương, đau đớn, mà ngược lại là chút gì đó khôi hài, thú vị qua những câu chuyện của ông từ thuở bé thơ đến lúc trưởng thành và thành đạt. Sáu chương sách là sáu mảnh ghép đầy màu sắc cho một bức tranh hoàn hảo.

Đi từ hiện tại với “bài giảng cuối cùng” ở chương I, ông dẫn người đọc ngược về quá khứ tươi đẹp của mình cùng những ước mơ ngày bé, thật đáng yêu và cũng thật lớn lao ở chương II. Đó là: ở trạng thái không trọng lượng, chơi bóng bầu dục ở hạng quốc gia, viết một bài cho Bách khoa Toàn thư thế giới, làm thuyền trưởng Kirk trong loạt phim nổi tiếng một thời Star Trek và làm một Disney Imagineer! Randy quá táo bạo khi nghĩ về những điều xa tầm với ấy. Đối với một đứa trẻ, chỉ một ước mơ trong số đó được thực hiện đã tốt lắm rồi. Thế mà, “cậu bé” đã lần lượt biến những điều xa vời ấy thành sự thật. Không hề có phép màu nào ở đây, tất cả là nhờ cậu đã Dám - Nghĩ - Lớn! Bên cạnh đó, không thể không nhắc đến sự sáng suốt của cha mẹ Randy khi họ sẵn lòng cho con trai thỏa sức sáng tạo, vẽ lên tường trong phòng mình bất cứ thứ gì cậu bé thích, nào là nhân vật cổ tích, cờ vua, tàu ngầm, thang máy và cả công thức toán học! Đây là điều không phải bất cứ phụ huynh nào cũng làm được. Quyển sách đã chia sẻ nhiều bí quyết “dạy con nên người” dành cho các bậc làm cha mẹ.

Khi Randy trưởng thành, chúng ta lại được đắm chìm trong những cuộc phiêu lưu có thật nhưng cũng không kém phần hấp dẫn so với chuyện thần tiên trong chương III. Chúng ta sẽ gặp một người hùng Randy tốt bụng, chẳng hề bận tâm đến “con chiến mã mui trần” mới cáu của mình, thay vào đó là sự yên lòng của bọn trẻ. Người hùng ấy cũng không gọi tình yêu của mình là công chúa như các chàng trai khác, mà là Bức tường gạch (lãng mạn)! Cuộc chinh phục Bức tường gạch vấp phải nhiều khó khăn, nhưng cuối cùng đã kết thúc bằng một hôn lễ đặc biệt với đôi uyên ương lộng lẫy, hạnh phúc trên chiếc khinh khí cầu cực lớn nhiều màu sắc thám hiểm không trung, cho đến khi chút rắc rối thú vị xảy ra…Điều thú vị hơn nữa là sau mỗi cuộc phiêu lưu, chúng ta lại được người hùng ấy dành tặng những bài học cuộc đời thiết thực.

Chương IV đầy tính nhân văn khi một người đã thực hiện được ước mơ của mình lại tiếp tục nỗ lực để chắp cánh cho những ước mơ của người khác. Randy Pausch chia sẻ: “…việc tạo điều kiện cho những ước mơ của người khác còn làm mình vui sướng hơn.” Độc giả sẽ được nghe về những câu chuyện thành công của các sinh viên tài giỏi, khiến chúng ta và cả Randy phải “bàng hoàng” thán phục. Nhưng họ sẽ chẳng bao giờ có thể làm được điều đó, nếu không có thầy Randy Pausch. Đọc đến đây, ta vừa cảm thấy xót xa khi sắp phải chia tay một người khả kính đến vậy, vừa thấy an ủi phần nào vì Randy đã để lại cho đời thật nhiều điều có ý nghĩa. Điều này tiếp tục được chứng minh qua những kinh nghiệm mà ông đúc kết, truyền đạt lại cho giới trẻ trong chương V mang tên “Sống một cuộc sống như thế nào” . Chúng ta được khích lệ “hãy là con chim cánh cụt đầu tiên” đến với thành công bằng cách “thu hút sực chú ý của mọi người” và “thể hiện lòng biết ơn” đúng cách. Chúng ta sẽ thấy “những hộp bánh quy bạc hà” nhỏ bé cũng có thể giúp ích rất nhiều, và còn nhiều nữa những cách thay đổi cuộc đời từ những điều tưởng chứng như vô cùng đơn giản.

Chỉ còn vài trang giấy dành cho chương VI “Những lưu ý cuối cùng”, một góc nhỏ thay cho lời nhắn nhủ trước khi từ biệt mà Randy Pausch muốn gửi đến vợ yêu, các con và chính chúng ta, những độc giả tương lai của ông. Gấp sách lại mà lòng còn nuối tiếc, bùi ngùi. Nghĩ đến cái giọng văn vừa sâu lắng vừa hóm hỉnh, nghĩ đến những câu chuyện cổ tích có thật, gói ghém biết bao triết lý sống quý báu, khóe mắt lại rưng rưng. Người đang dần lìa xa sự sống ấy, sao lại có thể bình tĩnh và lạc quan đến vậy? Những kinh nghiệm, nghệ thuật sống mà ông rút tỉa từ bốn mươi sáu năm cuộc đời mình, được viết thành sách trong một khoảng thời gian ngắn ngủi và đau đớn, sẽ còn sống mãi trong ta, là minh chứng cho câu nói: “Điều quan trọng không phải là bạn sống bao lâu, mà là bạn đã sống như thế nào và để lại gì cho đời trước lúc ra đi.” Thần Chết không từ một ai, vấn đề là sớm hay muộn mà thôi. Chính chúng ta cũng không biết tương lai của mình đi về đâu, tại sao lại không gắng sống cho có ý nghĩa, bớt quan tâm đến những điều xa hoa, phù phiếm, thay vào đó là trân trọng chữ “tình” giữa con người với nhau? Đồng thời, dám ước mơ, dám thực hiện, như Randy đã sẻ chia “Nếu bạn dám ước mơ điều gì, bạn sẽ có thể thực hiện được điều đó.”… ./.

CÁC TIN KHÁC