Giới thiệu và tóm tắt sách “Tôi muốn trở thành nhà lãnh đạo”
từ “Tủ sách doanh nhân” tại Trung tâm Thông tin – Thư viện HUB
Trong chuỗi chương trình Ngày Sách và Văn hóa đọc HUB lần thứ ba năm 2024 do Trung tâm Thông tin – Thư viện Trường Đại học Ngân hàng TP.HCM thực hiện, hoạt động giới thiệu sách và triển lãm sách được thực hiện song song giữa việc trưng bày tại tòa nhà Thư viện và giới thiệu sách trực tuyến tại website (https://library.hub.edu.vn/) và fanpage của Trung tâm Thông tin – Thư viện (fanpage: https://www.facebook.com/thuvien.hub).
Trung tâm Thông tin – Thư viện HUB trân trọng giới thiệu và tóm tắt cuốn sách thứ mười bốn từ Tủ sách doanh nhân đến với bạn đọc với tựa sách
“Tôi muốn trở thành nhà lãnh đạo” của tác giả
doanh nhân Phạm Duy Hiếu.

Tác giả Doanh nhân Phạm Duy Hiếu từng được biết đến là CEO trẻ nhất trong ngành Ngân hàng Việt Nam khi trở thành CEO của VietABank, sau đó là CEO của ABBANK khi mới 34 tuổi. Ông từng trải qua nhiều vị trí quản lý, lãnh đạo cấp cao tại các ngân hàng, tổ chức tài chính như: IPA Investment, VNDirect Securi- ties, Vietcombank, VietABank, ABBANK... Hiện ông đang là Chủ tịch Hội đồng Quản lý Quỹ Khởi nghiệp doanh nghiệp khoa học và công nghệ (Startup Vietnam Foundation - SVF), Chủ tịch VMI - Sáng kiến Cố vấn khởi nghiệp Việt Nam, CEO iValue Holdings. Năm 2014, ông được trao tặng giải thưởng Sao Đỏ dành cho các doanh nhân trẻ xuất sắc, có nhiều đóng góp trong sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam.
Cuốn sách này là tập hợp các câu trả lời cho 50 câu hỏi mà doanh nhân Phạm Duy Hiếu đã nhận được. Ngay từ đầu sách, tác giả đã mở đầu bằng nhận định: Lãnh đạo là tạo ảnh hưởng. Dù bạn có ý thức hay chưa có ý thức về việc này thì bạn đã luôn có một khả năng ảnh hưởng nhất định đến những người xung quanh mình. Ảnh hưởng đó là tích cực hay tiêu cực? Ảnh hưởng lên ít người hay nhiều người? Ảnh hưởng đó có giúp cho người khác có thêm động lực? Ảnh hưởng đó có thúc đẩy người ta hành động? Anh hưởng đó có giúp người ta học hỏi và tiến bộ? Ảnh hưởng đó có hướng người ta đến thành tích xuất sắc? Tất cả những câu hỏi đó đều liên quan đến một câu trả lời, đó là sự trưởng thành của bạn, sự trưởng thành của một nhà lãnh đạo.
Sự trưởng thành của một nhà lãnh đạo bắt đầu từ chữ “muốn”. Nếu bạn muốn, mọi thứ sẽ xảy đến với bạn theo một cách nào đó. Nếu bạn không muốn, không ai có thể thay đổi được bạn. Tôi đã từng không muốn. Tôi nghĩ rằng lãnh đạo là hình mẫu nào đó lý tưởng, là siêu việt, là cao quý, là một tầng lớp “cao cao tại thượng” tách biệt với phần còn lại, còn bản thân tôi thì kém cỏi, không xứng đáng. Với cách suy nghĩ tiêu cực như vậy, tôi đã đóng cửa bản thân mình, không cho mình cơ hội để thay đổi, để có thể phát triển bản thân.

Lãnh đạo là một khả năng, nó khác với cái biết. Tương tự như việc bạn biết bơi, sự thật là bạn có khả năng bơi chứ không chỉ là bạn biết về bơi, bạn hiểu về bơi. Ngôn từ đã gây ra sự lẫn lộn giữa hai điều này và khiến cho chúng ta gặp muôn vàn khó khăn trong việc rèn luyện và phát triển khả năng lãnh đạo. Học lãnh đạo là cách học thực hành, nó không dừng lại ở cái biết. Bạn phải là người nhảy xuống bể bơi, phải vùng vẫy, phải chấp nhận uống vài ngụm nước, rồi sau đó mới có thể bơi được. Và đến khi bơi đã trở thành một khả năng thì cho dù nhiều năm không bơi, nhưng đến lúc cần bạn vẫn có thể bơi.
Trung tâm Thông tin – Thư viện thực hiện tóm tắt một số câu hỏi và trả lời tiêu biểu trong cuốn sách “Tôi muốn trở thành nhà lãnh đạo” của doanh nhân Phạm Duy Hiếu để giới thiệu đến bạn đọc như sau:
Câu hỏi 22. Nhân viên của em rất thiếu trách nhiệm, em cần phải làm gì để dạy cho họ có trách nhiệm hơn?
Trách nhiệm là một danh từ đẹp. Nhưng sử dụng nó có đẹp hay không lại là chuyện khác. Cuộc đời tôi đã từng sử dụng từ trách nhiệm này để kết tội người khác. Tôi đã dùng từ trách nhiệm này như một con dao sắc để tấn công con người: cậu là đồ vô trách nhiệm, cậu hãy xem lại trách nhiệm của mình đi... Khi nói những lời nói đó, cơn giận dữ đang ở trong tôi. Người giận dữ là người bất an, và tôi lan toả sự bất an sang cho người khác. Hậu quả là, tôi càng làm như vậy thì nhân viên của tôi càng mất động lực, càng mất động lực thì họ càng uể oải, càng uể oải thì họ hành động càng ít, hành động càng ít thì họ lại thiếu trách nhiệm nhiều hơn nữa. Bạn thân mến, nhà lãnh đạo phải chịu trách nhiệm trước mọi việc xảy ra. Khi một nhân viên không hoàn thành trách nhiệm thì đó cũng là trách nhiệm của bạn. Bạn phải chịu trách nhiệm về việc người khác đã thiếu trách nhiệm. Khi chỉ nói về trách nhiệm của người khác, ta đang không nhìn thấy trách nhiệm của chính mình. Hãy nhận ra sự tinh tế ấy. Khi nhà lãnh đạo đứng lên nhận trách nhiệm về việc người khác không có trách nhiệm, mọi việc bắt đầu thay đổi.
Anh cần phải làm gì để em có trách nhiệm hơn với công việc? Anh cần phải giúp đỡ em như thế nào để em có trách nhiệm hơn? Anh xin nhận lãnh trách nhiệm giúp em có trách nhiệm. Vì trách nhiệm sẽ là thứ thay đổi cuộc đời của em và anh muốn nhìn thấy em thành công... Khi đó, tấn công sẽ chuyển hóa thành kết nối, bất an được đẩy lùi, tình yêu con người, tình yêu tổ chức bắt đầu xuất hiện. Và bây giờ, dẫn dắt là có thể.
Nhận lãnh trách nhiệm là thái độ. Nó không phải kiến thức, kỹ năng, nên cách dạy nhân viên về trách nhiệm không giống như cách dạy kiến thức và kỹ năng. Trách nhiệm không dạy được. Trách nhiệm là tình yêu với công việc, tình yêu với tổ chức.
Và bạn là người lan tỏa thứ tình yêu đó. Nhà lãnh đạo phải làm gương, phải trở thành hình mẫu sống về chữ trách nhiệm cho đến khi ánh sáng của nó chiếu rọi mọi góc còn tăm tối trong tổ chức. Ta không chiến đấu được bóng tối. Việc của ta là thắp sáng lên.
Câu hỏi 32. Đội ngũ của em thường xuyên cãi lộn, rồi dẫn đến bất hoà, không nhìn mặt nhau nữa, em phải làm gì?
Trong kinh doanh ý kiến khác nhau là chuyện bình thường. Một doanh nghiệp muốn phát triển thì cần phải có sự phản biện. Một nhà lãnh đạo lúc ra quyết định cần phải có những góc nhìn khác nhau thì mới nhận thức đầy đủ về quyết định của mình được. Tình huống bắt đầu trở nên xấu đi khi ta bị chấp đúng sai, coi điều mình nói là tuyệt đối đúng và phủ nhận hoàn toàn các ý kiến khác. Năm xưa, trong một lần tranh luận, tôi đỏ mặt tía tai kết luận một người đồng đội của mình sai, giải pháp của tôi đưa ra mới là đúng. Người sếp của tôi quan sát thấy, mới từ tốn hỏi tôi: “Hiếu, em có chắc chắn là em đúng không?” Tôi trả lời: “Thưa sếp, em chắc chắn!” Ông ấy lại hỏi: “Có chắc chắn 100% sẽ thành công không?”. Tôi hơi do dự: “Em nghĩ... là ta sẽ thành công.” Ông ấy lại hỏi tiếp: “Chắc chắn thành công trong mọi tình huống, mọi nguồn lực, trước mọi hành động của đối thủ, trước mọi biến cố?” Lần này thì tôi buông súng đầu hàng: “Có thể em sẽ sai.”
Ngay giây phút đó, tư duy tuyệt đối đúng của tôi sụp đổ. Tôi bình tĩnh trở lại và nhận ra sai lầm của mình. Tôi xin lỗi đồng đội, sự tôn trọng và sự kết nối được hàn gắn. Buổi họp tiếp tục, nhưng từ đây tôi bắt đầu lắng nghe được ý kiến của người khác. Khả năng lắng nghe của tôi được cải thiện.
Bạn thân mến, căn bệnh chấp đúng sai, lúc nào cũng cho rằng mình đúng, khiến cho ta không thể lắng nghe được nữa. Muốn chữa căn bệnh này, chỉ cần hãy nhớ rằng: “Không có gì tuyệt đối đúng!”. Điều thứ hai các thành viên trong đội ngũ cần phải nhận thức: mục đích của tranh luận là giải quyết vấn đề, chứ không phải là giải quyết nhau.
Giải quyết vấn đề: - Giải pháp của tôi có ưu điểm là.... - Giải pháp của tôi có nhược điểm là...
Giải quyết nhau: - Mày ăn gì mà ngu thế? - Nói thế mà cũng nói được!
Khi ta tấn công con người, ta chính là kẻ thất bại trong tranh luận. Em và các bạn hãy ngồi lại đi nhé, chữa bệnh trước, rồi mới bàn việc sau. Bệnh này tuy nhiều người mắc nhưng lại dễ chữa. Trong lúc chữa, đừng tấn công bệnh nhân là được. Tấn công bệnh nhân, ta sẽ trở thành bệnh nhân. Chúc em thành công!
Câu hỏi 40: Đối với nhân viên mà mình cứ phải liên tục bơm năng lượng, nhắc nhở thì tinh thần họ mới phấn chấn lên một chút, tập trung được một chút, lơi ra thì lại xìu, không chủ động được trong công việc, mình có thể làm gì để cải thiện tình trạng này không ạ?
Năng lượng không đứng yên, tính chất của năng lượng là chuyển động và chuyển hóa không ngừng. Năng lượng sẽ tiêu hao ngay khi nó được tạo ra. Vì vậy người ta dẫn năng lượng vào vận hành để chuyển hóa nó thành hành động càng nhanh càng tốt để giảm thiểu sự tiêu hao. Năng lượng chắc chắn sẽ tiêu hao, điều này cần được hiểu. Nên việc tạo năng lượng cần được thực hiện thường xuyên và đều đặn. Câu hỏi của em dường như kỳ vọng rằng, nhân viên phải luôn giữ được năng lượng. Điều này là không thể. Điều này là nhầm lẫn. Năng lượng không phải là một món đồ, một tảng đá hay một vật thể để có thể nắm giữ. Năng lượng sẽ chảy đi, sẽ tiêu hao đi, ngồi không cũng tiêu hao. Bản chất của người nhiều năng lượng là họ luôn khởi tạo ra năng lượng mới. Sự tiêu hao luôn có đó, nhưng họ lại tiếp tục tạo ra năng lượng mới, từng giây từng phút. Nên nhìn họ, ta có cảm giác năng lượng của họ không bao giờ cạn. Vậy làm thế nào để tạo ra năng lượng? Hãy thử 10 cách sau:
• Tập thể dục đều đặn.
• Nghe những giai điệu, bài hát truyền cảm hứng đầu giờ sáng.
• Xem những đoạn phim tạo động lực.
• Sử dụng năng khiếu.
• Suy nghĩ tích cực.
• Chọn những việc làm ý nghĩa.
• Niềm tin tích cực.
• Thay đổi tư duy, thay đổi góc nhìn.
• Khen ngợi, công nhận, tri ân.
• Ăn uống lành mạnh.
Muốn truyền năng lượng cho mọi người, người lãnh đạo phải có năng lượng trước. Đừng ngại việc tạo năng lượng, đó chính là nhiệm vụ quan trọng bậc nhất của người lãnh đạo. Có năng lượng mới có hành động, có hành động mới có kết quả. Biết năng lượng là quý thì phải chú ý đừng làm mất năng lượng của mình, của đội ngũ.
Thường xuyên kiểm điểm chính mình: Những hành động nào của tôi làm cho đội ngũ không còn tạo ra năng lượng cho chính mình? Những suy nghĩ nào của tôi thường lấy mất năng lượng của chính mình?
Câu hỏi 42. Em muốn cho một nhân viên nghỉ việc vì thành tích yếu kém của anh ta nhưng lại không thể xuống tay, em nghĩ anh ta còn có gia đình, còn có vợ con và cha mẹ già. Em phải làm sao đây?
Nhân viên của em thành tích yếu kém vì lý do gì? Do thái độ tiêu cực hay do không đủ năng lực? Em đã làm những gì để giúp bạn ấy?
Nếu thái độ tốt nhưng năng lực yếu thì giải pháp là đào tạo, huấn luyện. Nếu thái độ tiêu cực, năng lực giỏi thì giải pháp là thay đổi tư duy, tạo động lực.
Nếu thái độ tiêu cực, năng lực cũng yếu kém thì có thể bạn ấy không phù hợp với tổ chức này, công việc này. Bạn ấy cần tìm hiểu xem mình thực sự thích gì, có năng khiếu gì và chọn một công việc khác phù hợp hơn, một công việc nào đó có thể kích hoạt được bạn ấy. Và em cần tư vấn cho bạn ấy. Phát triển một con người là nhiệm vụ, là sứ mệnh cao cả của nhà lãnh đạo.
Nhiệm vụ của em là phát triển bạn ấy chứ không phải là bao bọc bạn ấy. Phát triển con người không chỉ giới hạn bởi tạo công ăn việc làm và chi trả lương. Phát triển con người còn là chỉ ra con đường phát triển cá nhân, cho dù con đường này có thể không phải là làm việc tại công ty.
Chia tay nhân sự với hiểu biết sâu sắc như vậy khác hoàn toàn với cách nhìn hạn hẹp là ta đang đẩy họ vào tình thế khó khăn. Nếu em là người nhân hậu thì hãy giúp đỡ bạn ấy đúng cách. Giúp theo kiểu bao bọc những thành tích yếu kém là hủy hoại cuộc đời bạn ấy, là thiếu trách nhiệm với những người đồng đội khác. Phát triển bạn ấy chính là cách tốt nhất, bền vững nhất để lo cho gia đình của bạn ấy.
Nếu gia đình bạn ấy quá khó khăn, trong khi em có điều kiện, em có thể chọn giải pháp hỗ trợ tài chính cho bạn ấy một hai tháng tiền lương, nhưng nhất định, bạn ấy phải tự lo được cho chính mình.
Tôi cũng đã nhiều lần phát triển nhân sự bằng cách để họ rời khỏi tổ chức đi tìm con đường của riêng mình.
Chia tay để phát triển hơn, vì tôi yêu họ, không phải vì tôi ghét bỏ họ.
Những câu chuyện phong phú của tác giả trong trả lời mỗi câu hỏi đã tạo nên nét riêng biệt của cuốn sách này. Thay vì giải thích trong cuốn sách “lãnh đạo là gì”, các tình huống tác giả mang đến cho bạn mà người lãnh đạo phải đối mặt và chia sẻ cách thức tác giả ứng phó. Những tình huống này được nhiều bạn đặt câu hỏi, tác giả trả lời và tập hợp lại. Có bạn là doanh nhân khởi nghiệp; có bạn đang làm việc cho các tổ chức lớn; có bạn là học trò trong các lớp huấn luyện của tôi, có bạn là nhân viên của tôi... Không ngờ nhiều câu trả lời sau đó đã được chia sẻ rộng rãi và nhận rất nhiều hưởng ứng tích cực trong cộng đồng. Tác giả tập hợp 50 câu hỏi hay nhất, giàu tính thực tiễn nhất để làm thành cuốn sách này. Biết đầu, bạn cũng đang phải đối mặt với các tình huống tương tự và những bài học ấy có thể mang đến cho bạn một vài gợi ý nào đó.
Trong quá trình học hỏi về lãnh đạo, thách thức lớn nhất với tác giả là nó vô hình. Người ta nghe thấy lời nói của nhà lãnh đạo, người ta nhìn thấy hành động của nhà lãnh đạo, nhưng người ta không thấy được cách nghĩ, cách tư duy, cách ra quyết định của nhà lãnh đạo. Những thứ đó vô hình, đôi khi là những cuộc đấu tranh tâm lý ghê gớm diễn ra trong thâm tâm nhà lãnh đạo, đôi khi lại là những lựa chọn dứt khoát không khoan nhượng, không đánh đổi, không tiền nào mua được và cuốn sách này góp phần để làm rõ thêm những ý tưởng mà tác giả muốn chuyển đến bạn đọc.


Về Tủ sách doanh nhân tại Trung tâm Thông tin – Thư viện HUB
Trong khuôn khổ hợp tác giữa Trung tâm Thông tin – Thư viện Trường Đại học Ngân hàng TP.HCM và Tạp chí Doanh nhân Sài Gòn, hai bên đã thống nhất xây dựng Tủ sách doanh nhân để lưu giữ, khai thác và sử dụng sách do doanh nhân Việt Nam viết hoặc sách viết về doanh nhân Việt Nam.
Các tựa sách trong Tủ sách doanh nhân được Hội đồng Phát triển Sách doanh nhân chịu trách nhiệm giới thiệu và Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn thực hiện truyền thông, tuyển chọn sách và cung cấp các loại sách doanh nhân Việt Nam hay để phục vụ nhu cầu người đọc tại Trung tâm Thông tin – Thư viện HUB.
Tủ sách doanh nhân tại Trung tâm Thông tin – Thư viện nhằm phục vụ nhu cầu tham khảo, nghiên cứu, học tập của viên chức, sinh viên và bạn đọc về doanh nhân Việt Nam. Bên cạnh đó, Tủ sách giúp phổ biến, giáo dục, hướng nghiệp, truyền cảm hứng tinh thần khởi nghiệp và tinh thần kinh doanh trung thực, trách nhiệm với cộng đồng trong tương lai của sinh viên và góp phần thúc đẩy văn hóa đọc trong giới trẻ.
Bạn đọc có thể đọc và mượn các cuốn sách trong tủ sách này tại Trung tâm Thông tin Thư viện (kho sách lầu 1 và lầu 2, Tòa nhà Thư viện – Thủ Đức).
|
Tin và ảnh: Phạm Thị Huyền, Trịnh Thanh Hương, Tô Thị Hường, Nguyễn Trung Hiếu – Trung tâm Thông tin – Thư viện HUB