Giới thiệu sách “OKRs Hiểu đúng, làm đúng” từ “Tủ sách doanh nhân” tại Trung tâm Thông tin – Thư viện HUB
Trong chuỗi chương trình Ngày Sách và Văn hóa đọc HUB lần thứ ba năm 2024 do Trung tâm Thông tin – Thư viện Trường Đại học Ngân hàng TP.HCM thực hiện, hoạt động giới thiệu sách và triển lãm sách được thực hiện song song giữa việc trưng bày tại tòa nhà Thư viện và giới thiệu sách trực tuyến tại website (https://library.hub.edu.vn/) và fanpage của Trung tâm Thông tin – Thư viện (fanpage: https://www.facebook.com/thuvien.hub).
Trung tâm Thông tin – Thư viện HUB trân trọng giới thiệu cuốn sách thứ mười ba từ Tủ sách doanh nhân đến với bạn đọc với tựa sách
“OKRs Hiểu đúng, làm đúng” của tác giả
doanh nhân Mai Xuân Đạt.

Doanh nhân Mai Xuân Đạt là nhà huấn luyện OKRs - Founder VNOK (cộng đồng OKRs đầu tiên tại Việt Nam); Founder VNOKRs (công cụ OKRs phù hợp với Doanh nghiệp Việt Nam). Anh cũng đồng thời là CEO SEONGON và RedMonsters, đây là các Agency uy tín trong lĩnh vực Digital, Google Marketing, Content Marketing.
Mở đầu cuốn sách chính là câu hỏi tự đặt ra của tác giả: “mình có đúng là một giám đốc không?”. Doanh nhân Mai Xuân Đạt đã có 8 năm tự hỏi mình như thế. Quản trị doanh nghiệp là một đề tài rộng, phức tạp, không dễ để một giám đốc ít kinh nghiệm có thể để nhìn ra trong một sớm một chiều. Có lẽ đó là lý do chính tại sao phần lớn doanh nghiệp lại dừng bước trong 1 năm, 3 năm đầu thành lập. Tác giả đã luôn tự hỏi mình rằng, quyết định này có đúng không, quyết định kia có đúng không ... Liệu vào lúc này nên tăng doanh số thật nhanh, hay tập trung vào việc đào tạo nội bộ? Tôi đã cần để ý đến các chỉ số tài chính một cách chuyên nghiệp chưa (điều đó đòi hỏi tôi phải đi học về tài chính)? Tôi nên tuyển thêm 5 nhân viên kinh doanh để tăng doanh số không, khi mà điều này có vẻ như làm chi phí tăng cao hơn định mức tôi đã nghĩ từ đầu năm? Và vì bản thân còn không tin vào những quyết định của mình, tôi nghĩ mình không phải là một giám đốc đúng nghĩa và công ty tôi cũng không phải là một công ty đúng nghĩa! Có lẽ tôi kém thật! Từ khi biết mở công ty, tôi đã trải qua 8 năm với 6 công ty do mình tự thành lập, có công ty còn hoạt động, có công ty đã đóng lại. Nhưng với ngần ấy kinh nghiệm, tôi vẫn không thấy được bức tranh chung của quản trị doanh nghiệp. Có khi thì tôi gặp rắc rối với thuế, vì một công ty mà 3 năm đầu tôi chỉ tập trung vào việc tạo ra và bán sản phẩm nhiều nhất có thể, cho đến khi quyết toán thuế tôi mới biết năng lực của kế toán viên chúng tôi thuê không đủ tốt để hồ sơ tài chính, kế toán, thuế đúng với các quy định. Có khi tôi lại gặp rắc rối với hiệu quả kinh doanh, vì một công ty mà tôi đã dành cả năm đầu để rèn luyện đội ngũ nội bộ, phát triển sản phẩm... cho tới khi dự án có khả năng tạo ra doanh số thì cũng là lúc tôi gặp vấn đề với thương hiệu công ty, quá yếu để đối tác có thể tin tưởng...
Từ cuốn sách này, tác giả Mai Xuân Đạt đã mang mong muốn là bằng tất cả niềm tin và khát khao đóng góp vào sự cải tiến năng suất của doanh nghiệp Việt Nam, điều bản thân tác giả và các công ty tiến bộ, OKRs sẽ giúp các công ty và nhân viên của doanh nghiệp Việt Nam xứng đáng có một môi trường làm việc hạnh phúc, sẽ được hạnh phúc. Nội dung của cuốn sách bao gồm nội dung về Thói quen cản trở OKRS - lo lắng của người quản lý bao gồm các vấn đề về Nhân viên thiếu cam kết, Nhân viên không có động lực, Nhân viên thiếu chủ động, Thói quen giao việc (Chuyên quyển), Thói quen ngại giao tiếp, Tính hay thay đổi của Sếp. Năm 2017, khi tác giả cuốn sách bắt đầu quyết định mở rộng quy mô công ty theo cách mạnh mẽ nhất có thể. Chỉ trong 2 năm, chúng tôi đã tăng quy mô lên hơn 100 người, thuê một văn phòng lớn hơn và cũng đẹp hơn nhiều. Nhìn từ ngoài ngoài có vẻ nư mọi thứ thực sự chỉ toàn các thành tựu. Nhưng trong thâm tâm, tôi biết, đây không phải là một công ty và tôi chưa phải một giám đốc đúng nghĩa, bởi vì tôi không thể thực sự điều hành công ty theo những gì mình muốn. Từ mà tôi muốn nhấn mạnh là “không điều hành được”. Tôi đã triển khai phương pháp quản lý 5S của người Nhật cho công ty của mình: Sàng lọc. Sắp xếp, Sạch sẽ, Săn sóc, Sẵn sàng. Thất bại hoàn toàn! Chỉ một việc nhỏ là văn phòng cần ngăn nắp vào cuối ngày, tôi cũng không thể khiến 100% nhân viên thực hiện. Tôi cũng không có cách nào để nhân viên làm việc đúng deadline, một phần bởi tôi không muốn xây dựng một công ty dựa trên nỗi sợ hãi, bằng các hình thức phạt nặng.
Băn khoăn với câu hỏi “Tại sao nhân viên của mình không thể làm theo những yêu cầu đơn giản đó?", tôi đã đưa ra một thử nghiệm: “một mệnh lệnh đơn giản”. Bài tập Văn hóa Doanh nghiệp chỉ là một trang A4 với vài câu hỏi không khó, nghĩa là ai cũng có thể hoàn thành được. Kết quả thu được là 70% hoàn thành yêu cầu và chỉ có 50% là nhớ tới việc báo cáo hoàn thành bằng cách điền chữ “x” vào file Google Sheet. Tôi đã thực sự thất vọng! “Mệnh lệnh” đưa ra theo bản thân tôi đánh giả là hết sức đơn giản, nhưng chỉ ½ công ty làm đúng. Tôi đã không còn biết sẽ điều hành tập thể hơn 100 người này như thế nào, có quá nhiều thứ phức tạp hơn “mệnh lệnh đơn giản” cần phải thực hiện mỗi ngày, mỗi tuần, mỗi tháng. Làm thế nào để ai cũng nhớ tới và hoàn thành các yêu cầu quan trọng từ cấp trên, tôi hoàn toàn không biết
Tháng 4/2019, tác giả quyết tâm không đến công ty cho tới khi tìm ra được cách để quản lý. “Bởi vì nếu tôi không tìm ra cách, có lẽ tôi nên đóng cửa công ty thì hơn. Và đây là thời điểm tôi đọc được Work Rules của Laszlo Bock, cựu Phó Chủ tịch cấp cao phụ trách Hoạt động Con người của Google (Google gọi hoạt động nhân sự, HR, của họ là People Operations). Cuốn sách đã thu hút tôi ngay từ đầu, khi nói rằng ở Google quan điểm đầu tiên về nhân sự là “Con người, về cơ bản là tốt”, có nghĩa là nhân viên của bạn là người tốt khi bắt đầu vào công ty, họ có thể xấu đi theo cách nào đó là do công ty mà thôi”. Từ đó, tác giả đã Bàn về lợi ích của OKRs với các nội dung về OKRs là gì? OKRs & CFRs - Chất bôi trơn cần thiết; Lợi ích OKRs: F.A.C.T.S; OKRs & Văn hóa Doanh nghiệp. Đồng thời tác giả cũng đưa ra những thực tiễn tốt nhất: Điều kiện để bắt đầu, Viết OKRs tốt, Tính chất cần có và các bước xây dựng OKRs (Một chu kỳ điển hình, 10 bước xây dựng OKRs - Phương pháp DKRs 3 chiều; Thay đổi giữa chu kỳ). Cuối cùng tác giả cũng bàn về các câu hỏi thường gặp như lỗi phổ biến, cách tính lương thưởng, OKRS & KPIs, OKRS & BSC, Công cụ OKRs.
Nội dung của cuốn sách lần lượt bao gồm các nội dung chi tiết như sau:
• Phần 1: "Mình có đúng là một giám đốc không?”
• Phần 2: Thói quen cản trở OKRS - lo lắng của người quản lý. Phần này tập trung phân tích về các vấn đề như nhân viên thiếu cam kết, nhân viên không có động lực, nhân viên thiếu chủ động, thói quen giao việc (chuyên quyền), thói quen ngại giao tiếp, tính hay thay đổi của Sếp
• Phần 3: Bàn về lợi ích của OKRs, với các nội dung: OKRs là gì?, OKRs & CFRs - Chất bôi trơn cần thiết, Lợi ích OKRs: F.A.CT.S, DKRs & Văn hóa Doanh nghiệp,
• Phần 4: Những thực tiễn tốt nhất, bao gồm các suy nghĩ của tác giả đối với điều kiện để bắt đầu, làm thế nào để viết OKRs tốt, tính chất cần có.
• Phần 5: 10 bước xây dựng OKRS. Trong phần này, tác giả đã đưa ra một chu kỳ điển hình và 10 bước xây dựng 0KRs, Phương pháp OKRs 3 chiều và Thay đổi giữa chu kỳ.
• Phần 6: Bàn về các câu hỏi thường gặp như các lỗi phổ biến, cách tính lương thưởng, OKRS & KPIs, OKRS & BSC, Công cụ OKRs…
Cuối cùng của cuốn sách là phần Kết luận, doanh nhân Mai Xuân Đạt đã khẳng định “Tôi nhìn thấy OKRs như một cơ hội để người Việt chúng ta thoát ra khỏi cái vỏ. Chúng ta vốn đi lên từ những khó khăn, không có nhiều cơ hội được học bài bản về quản trị và vì vậy chúng ta không để ý đến vấn đề này cho tới khi nó trở thành cản trở. Không như cách chúng ta thường nghĩ rằng quản trị là nặng nề, mệt mỏi, OKRs mang những điều tích cực đến với doanh nghiệp, một cách nhanh chóng. Và hơn thế nữa, OKRs có thể biến lĩnh vực quản trị vốn đau đầu với CEO trở nên đầy cảm hứng.”
Về Tủ sách doanh nhân tại Trung tâm Thông tin – Thư viện HUB
Trong khuôn khổ hợp tác giữa Trung tâm Thông tin – Thư viện Trường Đại học Ngân hàng TP.HCM và Tạp chí Doanh nhân Sài Gòn, hai bên đã thống nhất xây dựng Tủ sách doanh nhân để lưu giữ, khai thác và sử dụng sách do doanh nhân Việt Nam viết hoặc sách viết về doanh nhân Việt Nam.
Các tựa sách trong Tủ sách doanh nhân được Hội đồng Phát triển Sách doanh nhân chịu trách nhiệm giới thiệu và Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn thực hiện truyền thông, tuyển chọn sách và cung cấp các loại sách doanh nhân Việt Nam hay để phục vụ nhu cầu người đọc tại Trung tâm Thông tin – Thư viện HUB.
Tủ sách doanh nhân tại Trung tâm Thông tin – Thư viện nhằm phục vụ nhu cầu tham khảo, nghiên cứu, học tập của viên chức, sinh viên và bạn đọc về doanh nhân Việt Nam. Bên cạnh đó, Tủ sách giúp phổ biến, giáo dục, hướng nghiệp, truyền cảm hứng tinh thần khởi nghiệp và tinh thần kinh doanh trung thực, trách nhiệm với cộng đồng trong tương lai của sinh viên và góp phần thúc đẩy văn hóa đọc trong giới trẻ.
Bạn đọc có thể đọc và mượn các cuốn sách trong tủ sách này tại Trung tâm Thông tin Thư viện (kho sách lầu 1 và lầu 2, Tòa nhà Thư viện – Thủ Đức).
|
Tin và ảnh: Phạm Thị Huyền, Trịnh Thanh Hương, Tô Thị Hường, Nguyễn Trung Hiếu – Trung tâm Thông tin – Thư viện HUB