Theo Thông báo trước đây của
Thư Viện trường Đại Học Ngân Hàng TP.HCM tổ chức cuộc thi viết chủ đề
“Cảm nhận về Sách”, nay TV đưa lên website một số bài dự thi tiêu biểu.
Việc
bài viết được đăng trên website chỉ mang tính chất giới thiệu và tham
khảo cho mọi người cùng đọc, chia sẻ cảm nhận. Đây chưa phải là bài đoạt
giải trong cuộc thi viết với chủ đề
“Cảm nhận về Sách”.
BÀI VIẾT THAM DỰ CUỘC THI CẢM NHẬN VỀ SÁCH:
SINH VIÊN VÀ NHỮNG TÁC PHẨM KINH ĐIỂN
Tác giả: Võ Hạnh Nhân
Trường Đại học Ngân hàng Tp.HCM
Ngành : Tài chính Ngân hàng
Một ngày còn nhỏ, tôi đọc Ruồi Trâu đến tận hai giờ sáng. Đối với bạn, đó có vẻ là một việc bình thường. Nhưng tôi khi ấy là một cô bé mười mấy tuổi, hàng ngày ngủ rất quy củ lúc 9 giờ tối nên đó là lần đầu tiên tôi thức khuya đến thế. Tác phẩm ấy đọng lại trong tôi rất nhiều ngày sau đó, nhiều tháng, nhiều năm, và cho đến bây giờ tôi vẫn nhớ về anh – Rivarex với biệt danh Ruồi Trâu – một con người đem lại cho tôi nhiều bài học đáng giá, cho tôi một ước mơ để hướng tới, một nhân cách cao đẹp để học hỏi, và cảm ơn Ethel Lilian Voynich , tác giả của tác phẩm kinh điển này, vì nếu không có bà, tôi sẽ không bao giờ biết đến anh.
Đó là một câu chuyện hay về một người anh hùng đúng nghĩa. Mỗi người sẽ thấy câu chuyện hay theo mỗi cách. Nhưng tôi không bàn về tiểu thuyết này. Vấn đề tôi muốn nói nằm ở điều tiếp sau đây.
Một trong những thú vui của việc đọc sách đó là cùng bàn luận, chia sẻ cảm xúc về cuốn sách đó với những người bạn của mình. Và tôi cũng làm như thế, tôi hỏi những người bạn của mình, rằng bạn có đọc Ruồi Trâu chưa?
“Đó là cái gì?”
“Ruồi gì?”
“Ruồi Trâu là loại ruồi gì?”
Ngạc nhiên, cười cợt, bối rối lắc đầu, mỉm cười bỏ qua, tất cả đều có. Nhưng chưa một ai trong những người bạn tôi hỏi trả lời rằng đã biết đến tác phẩm này. Tôi hơi thất vọng, nhưng vẫn bảo bạn đọc. Hầu như không ai trong số họ đọc cả. Tôi vẫn tiếp tục thực hiện câu hỏi này suốt nhiều năm sau đó, và rất hiếm khi tôi nhận được câu trả lời “có” từ những người bạn của tôi, dù trong số họ cũng có nhiều người thích đọc sách. Lên đại học, bạn bè của tôi đa số đều là dân khoa học và kinh tế, việc bảo họ thay vì thí nghiệm, viết đồ án mà đọc một tác phẩm kinh điển có từ thế kỷ 19 thật là gần như bất khả thi, bởi vì đối với họ điều đó hoàn toàn vô ích. Tôi vẫn thỉnh thoảng tiếp tục hỏi, không còn là vì cần tìm người chia sẻ, chỉ như một thói quen.
“Bạn có đọc Ruồi Trâu chưa?”
Nếu câu hỏi đổi lại là:
“Bạn có đọc Harry Potter/ Tôi tài giỏi, bạn cũng thế/ Trà sữa chưa?”
Chắc chắn tôi sẽ nhận được một câu trả lời:
“Bạn hỏi gì vớ vẩn thế? Tác phẩm nổi tiếng thế sao lại chưa đọc chứ? Ai chưa đọc mới là lạ đó.”
Vâng, bạn thấy rằng việc đọc những tác phẩm đương đại, những sách rèn luyện kỹ năng, những ấn phẩm truyện của hoa học trò, những sách “hot” mới là đáng đọc, là cần thiết. Còn những tác phẩm một thời vang bóng, đối với bạn, cũ rồi, xưa rồi, không đáng đọc, hay đơn giản, chỉ phí thời gian của bạn.
Tôi không nói rằng bạn sai lầm. Tôi chỉ tiếc nuối, cho bạn và cho những tác phẩm ấy.
Bạn có biết, những quyển “Ruồi Trâu”, “Thép đã tôi thế đấy”, …từng là sách gối đầu của cả một thế hệ trẻ, mà một trong số đó là thế hệ trẻ Việt Nam thời kháng chiến. Họ đọc những tác phẩm ấy, và họ sục sôi tinh thần, ánh mắt họ như có lửa, luôn ánh lên niềm tin và hy vọng để vượt qua thời chiến tranh khốc liệt. Người ta nói chúng ta chiến thắng cũng là vì con người luôn có niềm tin. Tôi thì cho rằng những tác phẩm văn chương đóng vai trò không nhỏ trong việc củng cố tinh thần thanh niên thời đó. Bạn nói, chuyện đó xưa quá, có những việc không thể áp dụng vào thời buổi hiện nay. Trong một chừng mực nào đó thì bạn đúng. Nhưng bạn nghĩ lại mà xem, họ cũng từng nhiệt huyết, từng tuổi trẻ, như bạn. Họ sục sôi khát vọng, họ muốn phát triển bản thân, họ muốn có lý tưởng cao đẹp. Và họ xem Ruồi Trâu, Thép đã tôi thế đấy như là một kim chỉ nam, hẳn là giống như bạn quý những cuốn “Đắc nhân tâm”, hay bộ sách của Tony Buzzan …
Có một lần nọ, cũng là khi còn nhỏ, tôi đọc Tuổi thơ dữ dội của Phùng Quán. Khi đọc đến cái chết của Quỳnh, trái tim tôi đau nhói. Tôi còn quá nhỏ nên chưa từng biết cảm giác tim đau nhói là như thế nào, và đó là lần đầu tiên tôi cảm nhận trái tim mình nhói đau, khi trong thâm tâm vẫn không muốn tin một sự thật rằng em đã chết. Người chiến sỹ bé nhỏ của tôi, từng là tiểu thiếu gia trong một gia đình giàu có, sẵn sàng từ bỏ tất cả để đi theo tiếng gọi của cách mạng, dùng tài năng âm nhạc của mình viết nên những bài ca làm rung động trái tim con người. Dù cho gặp vô cùng khó khăn gian khổ, đến lúc ra đi, em vẫn mỉm cười thanh thản. Tôi không nhớ mình có khóc không khi đọc đến đó, nhưng tôi biết rằng, tác phẩm ấy đã giúp cho tôi lớn lên nhiều lắm.
Tôi còn nhớ có một lần khi thi học sinh giỏi tại Hà Nội, vào năm 2005, có một học sinh đã viết rằng “ thực sự em không hề thích tác phẩm này (…) Em có thể chắc chắn rằng trong số 10 học sinh như em thì có 9 người cũng không thích tác phẩm này ” khi đề yêu câu phân tích vẻ đẹp của “Văn tế nghĩa sỹ Cần Giuộc” của cụ Nguyễn Đình Chiểu. Tôi chỉ muốn bàn về việc bạn có thể hiểu bài văn tế đó không, không bàn đến các khía cạnh khác. Có lẽ bạn chưa từng đặt chân đến miền Nam nên bạn không hiểu cũng không có gì lạ. Nếu bạn bảo tôi phải yêu điệu hát quan họ Bắc Ninh, tôi có lẽ cũng khó làm được bởi vì tôi có hiểu gì đâu mà yêu. Nhưng miền Nam là quê hương của tôi, tự nhiên đã có sự đồng điệu từ trong trái tim mình. Tôi hiểu bài văn tế ấy, không dám nói là cặn kẽ chi tiết như một chuyên gia, nhưng tôi có thể hiểu tinh thần tư tưởng của tác giả qua bài văn tế ấy, và qua đó hiểu về cả một thế hệ người dân miền Nam. Họ chân chất nhưng dũng cảm, đau thương nhưng kiên cường, đó là miền Nam của tôi thời chiến tranh.
Tỷ lệ đọc sách của các bạn trẻ không cao, bởi vì ngoài đọc sách, các bạn còn có nhiều phương thức giải trí khác hấp dẫn hơn. Đọc sách đã ít, đọc những tác phẩm kinh điển càng ít hơn, bởi vì đa số các bạn chỉ thích đọc những tác phẩm “hot”, được nhiều người biết đến, có bạn còn cảm thấy xấu hổ vì mình vẫn chưa đọc một tác phẩm mới ra lò nào đó mà bạn bè của bạn đã đọc hết rồi. Bạn không đọc chúng, đương nhiên là cái lý của bạn. Tôi sẽ phân tích một số lý đó.
Theo bạn, chúng đã là quá khứ? Bạn không thể sống chỉ với hiện tại, hướng đến tương lai mà không biết gì về quá khứ. Qua những tác phẩm kinh điển đó, bạn sẽ hiểu cách sống, cách nghĩ và tư tưởng của cả một thời đại. Những tác phẩm nào tồn tại qua cơn lốc lãng quên của thời gian chính là những tác phẩm cực kỳ quý giá mà bạn không cần phải tự mình vất vả chắt lọc giữa một rừng sách hiện nay, vì lịch sử đã chọn cho bạn. Nếu chúng quý hiếm như vậy, tại sao bạn lại không đọc chúng?
Chúng vô ích? Tam Quốc diễn nghĩa ra đời từ thế kỷ 14. Nhưng ai cũng phải công nhận những giá trị của tác phẩm đó đến bây giờ vẫn rất có ý nghĩa. Không có thứ gì là vô nghĩa. Ngay cả khi bạn đọc một cuốn sách với từ ngữ cực kỳ khó hiểu đến mức đau đầu, bạn cũng có thể rút ra một bài học, chẳng hạn: nếu phải viết gì đó, mình nên viết thật dễ hiểu để mọi người hiểu điều mình muốn nói, từ đó phát triển kỹ năng viết của bạn.
Bạn có thể học tập từ tấm gương của những vị anh hùng. Chúng ta sẽ trở thành những người cao cả nếu thường xuyên tiếp xúc với những người cao cả, và sách chính là phương tiện ngắn nhất, dễ nhất, rẻ tiền nhất để đến với họ.
Bạn có thể rèn luyện được khả năng nhận xét sắc bén thông qua việc đọc sách. Đọc nhiều, bạn sẽ biết đâu là chân lý, lý luận của bạn sẽ thuyết phục hơn, nhận xét sẽ sắc sảo hơn, dù là đông tây hay kim cổ.
Nếu sách viết hay, bạn sẽ học được nhiều. Nếu sách viết dở, bạn cũng biết được nên tránh điều gì để học hỏi kinh nghiệm cho lần sau. Bạn có thể học hỏi từ những sai lầm của các vị tiền bối trong quá khứ với một tinh thần cầu thị, như vậy thì bạn sẽ xứng đáng với câu “hậu sinh khả úy”, mới có thể là những cơn sóng trên sông Trường Giang, sóng sau xô sóng trước.
Có những con người không chết. Có những vần thơ không lỗi thời. Có những bài hát mãi âm vang. Và có những tác phẩm là bất hủ. Hãy đọc chúng, để thấy cuộc sống trong quá khứ. Có hiểu rõ quá khứ, bạn mới có thể thấu suốt tương lai.
Hết.