Phiếu góp ý/
Opinion sheet
Rất mong nhận được các ý kiến đóng góp của quí bạn đọc
Website liên kết

[ Đăng ngày: 12/06/2012 ]
Theo Thông báo trước đây của Thư Viện trường Đại Học Ngân Hàng TP.HCM tổ chức cuộc thi viết chủ đề “Cảm nhận về Sách”, nay TV đưa lên website một số bài dự thi tiêu biểu. Việc bài viết được đăng trên website chỉ mang tính chất giới thiệu và tham khảo cho mọi người cùng đọc, chia sẻ cảm nhận. Đây chưa phải là bài đoạt giải trong cuộc thi viết với chủ đề “Cảm nhận về Sách”.

BÀI VIẾT THAM DỰ CUỘC THI CẢM NHẬN VỀ SÁCH:
ĐẢO MỘNG MƠ
Tác giả: Nguyễn Thị Minh Ly
Trường Đại học  Khoa học Xã hội và Nhân Văn Tp.HCM
Ngành Báo chí – Truyền thông

Thời tiết ở thành phố Hồ Chí Minh trong thời gian này xấp xỉ 26oC-36oC. Nếu bạn phải nằm trong một căn phòng rộng chừng 16m2, với một cái máy quạt chạy hết công suất, thì việc đọc một quyển sách trong không gian nóng nực, chật chội như vậy hẳn sẽ làm bạn chẳng còn hứng thú. Vậy mà tôi đã đọc Đảo Mộng Mơ vào một ngày nhiệt độ thành phố lên đến 37oC và hoàn toàn cảm thấy dễ chịu.

Tôi nói như vậy, chỉ nhằm nói với bạn một điều thôi: nếu bạn đang trải qua một giai đoạn căng thẳng không lấy gì làm vui vẻ, thì Đảo Mộng Mơ sẽ là một giải pháp xoa dịu bạn. Tôi tin một dòng suối mát lành chảy trong tâm hồn sẽ làm bạn khoan khoái hơn so với một chiếc quạt máy thổi vù vù vào mặt bạn. Bạn có tin là, nếu như bạn không phá lên cười trong suốt thời gian đọc Đảo Mộng Mơ thì bạn cũng sẽ mỉm cười ít nhất ba lần không?

Nguyễn Nhật Ánh là một cái tên quen thuộc với bạn đọc lứa tuổi mới lớn. Nhưng trong bìa cuối cuốn sách “Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ”, Nguyễn Nhật Ánh đã viết: “Tôi viết cuốn sách này không dành cho trẻ em. Tôi viết cho những ai từng là trẻ em”. Tương tự như vậy với Đảo Mộng Mơ, nếu bạn là một người lớn, đừng vội lướt qua Đảo Mộng Mơ, vì đây chính là cuốn sách dành cho bạn.

Đảo Mộng Mơ chỉ là một đống cát nằm giữa sân vườn nhà thằng Tin cho đến khi thằng Tin tin rằng đống cát là… một hòn đảo hoang. Tin bắt đầu thuyết phục những người bạn của nó,  lần lượt là thằng Bảy và con Thắm rằng đống cát nằm trong sân vườn nhà nó chính là một hòn đảo và cái rãnh mương nhỏ xung quanh đống cát chính là vùng biển dữ với rất nhiều cá mập ăn thịt người.

Bạn có thể sẽ rất bất ngờ với những gì mà đống cát… à không, một đảo hoang mang lại. Tôi hiểu vì sao bạn bất ngờ, bởi vì trong mắt bạn - một người lớn đống cát đơn giản chỉ là đống cát. Thế nhưng với một đứa trẻ đang trong hành trình khám khá, thế giới đối với chúng không đơn giản như thế giới của chúng ta, thế giới của chúng không chỉ có hiện thực trần trụi, thế giới đó được vẽ nên bởi trí tưởng tượng và mơ ước.

Trên hòn đảo hoang đó xuất hiện chúa đảo, phó chúa đảo và cả phu nhân của chúa đảo. Cái chức danh chúa đảo có thể khiến cho một thằng nhóc hiền lành và nhút nhát như Tin trở thành một thủ lĩnh dũng cảm dám đối đầu với “hải tặc” vẫn thường hay ức hiếp và trấn lột tiền của nó. Nếu như bạn tin rằng bạn là chúa đảo, và danh dự của chúa đảo cũng như ba chúa đảo bị xúc phạm, hẳn bạn sẽ cư xử chẳng khác nào… một chúa đảo.

Có biết bao nhiêu chuyện đã xảy ra xung quanh hòn đảo, chúa đảo, phó chúa đảo và phu nhân của chúa đảo. Mỗi một biến cố xảy ra lại càng khiến cho bạn- một người lớn tin rằng đảo Robinson mà ngay khi đọc những trang sách đầu tiên, bạn nghi rằng đó là một đống cát, bây giờ hoàn toàn là một hòn đảo.
Thế vì sao Nguyễn Nhật Ánh lại vẫn đặt tên cho hòn đảo mà bây giờ bạn tin có thật này là Đảo Mộng Mơ?

Bởi vì khi bạn đọc truyện, bạn sẽ thấy rằng những người lớn trong Đảo Mộng Mơ thật đáng để khiến cho bạn mơ mộng. Chính những người lớn đó góp phần củng cố niềm tin cho bạn, rằng có một hòn đảo bé như đống cát, và những con cá mập hung dữ trông không khác gì những chú cá lòng tong.

Bạn sẽ tự soi vào mình và tự hỏi, tại sao bạn hay những người lớn xung quanh bạn không thể trở thành những người lớn tuyệt vời như vậy? Trong Đảo Mộng Mơ đó là ba thằng Tin - người lớn đầu tiên tin rằng đống cát trong sân nhà mình là một hòn đảo, rồi ông củng cố niềm tin đó bằng việc cho thằng Tin một chiếc ống nhòm, mà chỉ khi người ta ở trên đảo người ta mới cần đến một chiếc ống nhòm!

Người lớn chúng ta hay bắt trẻ con làm theo ‎y mình, bắt chúng nhìn thế giới bằng đôi mắt của chúng ta, trong khi trẻ con có thể quan sát mọi thứ bằng đôi mắt của chính chúng. Tại sao chúng ta - những người lớn lại cầm tay trẻ con để bắt chúng phải vẽ một bức tranh theo ‎y chúng ta? Hãy để trẻ con vẽ thế giới theo trí tưởng tượng và ước mơ của trẻ con.

Hành động của ba thằng Tin trong Đảo Mộng Mơ là một hành động đáng mơ ước với trẻ con. Ông chứng minh rằng hòn đảo của trẻ con quan trọng hơn cái nhà kho của người lớn. Tôi tin đứa trẻ nào trên đời cũng muốn chính chúng ta - những người lớn làm như vậy. Chúng ta có trách nhiệm bảo vệ niềm tin cho trẻ con, và hơn hết bảo vệ quyền được làm trẻ con của chúng. Nếu bạn có em nhỏ hoặc trong một tương lai không xa, bạn có một đứa trẻ của riêng mình, tôi mong bạn hãy nhớ: mình đã từng là một đứa trẻ, để cho phép những đứa trẻ được quyền bước lên Đảo Mộng Mơ, một hòn đảo bé như đống cát, bao quanh bởi biển dữ có những con cá mập trông hiền lành như những con cá lòng tong. Nếu bây giờ bạn đã lớn và bạn vẫn muốn bước lên Đảo Mộng Mơ thì Xin mời bạn!./.
CÁC TIN KHÁC